Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Góp tay, chia sẻ


(ảnh net)


Một nhóm người tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân mừng năm mới vào tối giao thừa. Chủ xị đề nghị mỗi người mang theo 1 chai rượu ngon nhất của mình đổ chung vào một vò lớn để uống chung.Mọi người đồng ý.
Về đến nhà, một người trong nhóm cảm thấy hối tiếc vì mình đã nhận lời mang theo bầu rượu quí lâu năm của mình để nạp chung vào nhóm. Không muốn chia xẻ bầu rượu của mình, sau một hồi suy nghĩ, anh ta  đã quyết định và làm như dự định.
 Đến ngày dự tiệc, anh ta mang "rượu" của mình đến. Trời tối, chum lớn, từng người một đem rượu của mình đổ vào chum và quay về chỗ ngồi để chờ khai mạc tiệc vui. Sau khi mọi người đã vào bàn tiệc, ông chủ nhà liền sai anh hầu bàn rót rượu mời từng vị khách. Ai ai cũng háo hức để thưởng thức rượu ngon. Bắt đầu từ chủ nhà đến các vị khách, mỗi người đều nhắm rượu. Đôi mắt mỗi người nhìn chằm chằm vào nhau với sự nghi kỵ, soi mói, hổ thẹn, nhưng miệng vẫn hết lời khen rượu ngon hảo hạng.
Nhưng hỡi ơi ! thức uống mà họ cầm trên tay chỉ toàn là nước lạnh, vì ai ai cũng có suy nghĩ toan tính như anh kia.  Và bài học của chúng ta là :
Bạn muốn uống rượu, bạn phải cho rượu.
Bạn muốn đón nhận điều tốt từ người khác, bạn phải mang điều tốt cho họ.
Bạn đối xử với người khác thế nào, bạn cũng sẽ nhận lại như thế.
Bạn muốn xã hội tốt đẹp, công bằng, hoà bình, bạn phải là người gieo những hạt giống ấy chứ không chờ ai khác làm thay cho bạn.
Trong bàn tiệc cuộc đời, ai ai cũng được mời gọi mang "rượu" của mình vào cuộc tiệc ấy. Hay nói cách khác, trong việc xây dựng xã hội, đất nước, ai cũng có phần trách nhiệm mang "rượu" để góp chung vào vận mạng của dân tộc.
            Một em bé 9 tuổi khi tự nguyện góp phần thức ăn nhỏ của mình để chờ chia sẻ với mọi người bị nạn trong trận động đất tại Nhật Bản (11.3.2011). Em bé đã đóng góp cho nước Nhật  điều mà cả thế giới phải khâm phục:  tinh thần vượt khó để cùng sẻ chia của dân Nhật.

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Chúc mừng Giáng Sinh và Năm mới 2013

              Thân chúc các bạn một mùa Giáng Sinh an lành, một năm mới 2013 vui khỏe, hạnh phúc

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Xây nhà mới


  

          Sau một thời gian loay loay mò mẫm, quậy lung tung (vì vốn dốt IT) cuối cùng một căn nhỏ cũng được dựng lên, trông cũng trang nhã, sáng sủa (mèo khen mèo dài đuôi đó!
 Thật ra không nhờ bạn bè, những người vốn đã thân thiết lâu nay- mà có thể chưa bao giờ gặp mặt- giúp đỡ thì e cũng vất vả lắm. Học chỗ này một ít, chỗ kia một ít, “chôm chỉa” cũng có (hihi-xin lỗi quý tác giả  không biết là ai) đem về bày ra để làm cho đẹp căn nhà.
          Hình như các bạn mình cũng vậy- trừ một vài bạn dày dạn kinh nghiệm IT thì khỏi bàn. Có người cứ phân vân không biết chọn  đất nào. Yumi, Zing,Fb…chỗ nào cũng có chỗ hay, chỗ dở. Người giàu có  nhiều nhà: ở blogspot  cũng có, ở Yumi cũng có … vậy cũng hay, đi đâu cũng gặp bạn bè cả. Nghe nói ở Zing, giao diện cũng tương tự như  yahoo blog, cũng dễ  thiết kế, nhưng thôi, an cư mới lạc nghiệp, dừng chân ở đây cũng được . Có người làm nhà xong nhưng chẳng biết sơn phết thế nào (trong đó có tui-hihi) đành phải quậy cho ra. Tài sản ở nhà cũ có người rinh về nhà mới, có người ngồi chờ Yahoo làm giúp, có người dọn  về USB cất kỹ. Riêng mình thì  mackeno tới đâu thì tới, cứ làm cái mới, cái cũ để đó (giàu to)
          Thôi, tạm chấp nhận chỗ ở này để còn làm ăn, loay hoay “đứng núi này trông núi nọ” mãi chẳng được gì. Cám ơn tất cả các bạn đã giúp đỡ.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Chuyện con ruồi


Sưu tầm

Chuyện rất... đời thường dành cho vợ chồng... không còn... TRẺ

            Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!
            Tôi ốm. Điều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, "đẹp" kinh khủng! Thế là mọi chuyện bắt đầu.
            Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tối đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm.
            Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.
            Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:
- Sao vậy anh?
Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:
- Có người chết trôi kia kìa!
Vợ tôi cầm ly sữa lên:
- Chết rồi! Ở đâu vậy cà?
- Còn ở đâu ra nữa! - Tôi nhấm nhẳng - Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!
Vợ tôi nhăn mặt:
- Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!
- Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết!
Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:
- Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.
Tôi vẫn chưa nguôi giận:
- Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!
Vợ tôi trố mắt:
- Nó còn trong ly kia mà!
- Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.
- Anh thấy sao anh còn uống?
- Ai mà thấy!
- Không thấy sao anh biết có hai con?
Tôi tặc lưỡi:
- Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.
Vợ tôi bán tính bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:
- Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em...
Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:
- Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?
Vợ tôi giật mình:
- Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?
- Chứ không phải sao?
- Không phải!
À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:
- Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?
- Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!
- Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà...
Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:
- Em đâu có nói vậy!
- Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!
Vợ tôi nhún vai:
- Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy cửa ra mới lấy được đồ đạc?
Tôi khoát tay:
- Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy triệu cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?
- Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi đá gà bị mất xe? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị giật mất điện thoại?
            Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt tv đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya v.v..., chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.
            Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:
- Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!
Vợ tôi lạnh lùng:
- Tùy anh!
Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:
- Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!
              Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ. Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.
              Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!   Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.
- Cô định làm gì đấy?
- Đem đổ đi chứ làm gì!
- Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ!
              Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.
              Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Bàn tay của mẹ



              Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn. Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bực.
 Viên giám đốc: “Anh đã được học bổng của những trường nào?” 
 Chàng thanh niên đáp “Thưa không” 
 “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?” 
“Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.” 
Viên giám đốc lại hỏi: “Mẹ của anh làm việc ở đâu?” 
Chàng thanh niên đáp: “Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.”
                Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
Viên giám đốc: “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?” 
“Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.
                 Viên giám đốc: “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.”
                  Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
                 Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ.Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
                   Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ,chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ.Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
                 Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty. Viên giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.”
                    Viên giám đốc: “Cảm tưởng của anh ra sao?”
Chàng thanh niên: 
- “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. 
-  Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc
 -  Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.”
                Viên giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi.  Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời.
 Em được nhận.”
                                                                                  ( Sưu tầm)



Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Thư giãn cuối tuần


      
  "Có một anh rất nổi tiếng về làm thơ 17 chữ, tiếng tăm của anh bay ra khắp vùng, anh tự hào lắm. Một hôm, thấy có bà lớn cùng đám tùy tùng đang đi dạo, anh buông ngay một bài thơ:

Buổi chiều gió dịu êm
Có bà lớn dạo xem
Phong tư nhường chị Nguyệt
Đâm thèm!

Thoạt nghe 3 câu đầu, phu nhân khoái lắm. Nhưng khi nghe đến 2 chữ kết, bà nổi giận, quay gót vào nội phủ, kể cho chồng là quan tri phủ, nghe... Nghe xong, quan tri phủ cũng rất cáu nhưng để bụng, đợi gặp dịp sẽ trị thằng ranh con lếu láo. Và dịp ấy xảy ra...
Vào đợt hạn hán nặng, Quan cho lập đàn cầu đảo liên tục vẫn chẳng thấy mưa rơi. Nhà thơ của chúng ta thấy chuyện đem dán ngay vào thiết đàn bài thơ. 

Tri phủ cầu mưa rơi
Dân chúng sướng mê tơi
Nửa đêm mở cửa thấy
Trăng soi!

Quan cho bắt anh ta tra hỏi, anh ta nói là vua thơ 17 chữ, thấy vậy quan tri phủ nhìn quanh, thấy bức hoành phi chạm nổi 2 chữ "Tây Pha" của mình, bèn lấy đó làm đề bắt làm thơ. "Vua thơ 17 chữ" đọc liền một mạch :

Ngày xưa có Đông Pha
Ngày nay có Tây Pha...

Nghe qua 2 câu, quan đắc ý lắm! Thằng này ví mình với Tô Thúc, nhà thơ kiêm nhà đạo học có hiệu là Đông Pha lừng lẫy đời Tống bên Trung quốc đây. Chợt, quan giật bắn người khi nghe tiếp đôi câu cuối :

Hai người đem sánh lại:
Khác xa !

Thế này thì quá quắt và ... hỗn láo ! Quan tri phủ giận tái mặt, lệnh cho lính nọc anh học trò ra mà quất 17 trượng quắn mông để y nhớ đời. Rồi hằn học :
 Thằng học trò láo toét ! Bị đòn xong, xem ngươi còn đủ sức thơ thẩn nữa không?
Anh học trò lồm cồm đứng dậy, vừa xoa mông, vừa hít hà, vừa xuất khẩu thành thi:

Làm thơ mười bảy chữ
Bị đánh mười bảy hèo
Huống hồ hàng vạn chữ

Đi teo!

Vẫn máu ngang ngạnh! Quan tri phủ bèn yêu cầu lý trưởng quê anh buộc phải tống cổ thằng học trò biệt xứ. Trên đường đi thì gặp ông chú họ, sau khi hỏi han tình hình, hai chú cháu ôm nhau khóc sướt mướt, Chợt chú bảo:
- Cháu thấy chưa? "Có tài mà cậy chi tài? Chữ tài liền với chữ tai một vần". Khi nào cháu cũng tự xưng là vua thơ 17 chữ, phút này sao không giỏi làm thơ 17 chữ nữa đi!
Anh học trò tức thì gạt lệ, ứng tác ngay bài tống biệt:

Làm thơ, bị đuổi làng
May gặp chú giữa đàng
Đôi ta cùng lệ nhỏ
Ba hàng!
Ông chú đột nhiên quay ra tát cho thằng cháu phát, hóa ra ông chú bị chột mắt!!!
Nguồn  http://www.vietfreefun.com/forum/showthread.php?5128-Nồi-Cháo-Lú/page4