Trang

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Ba chuyện tình (2)





2.Tại sao anh khóc?
         Một anh nọ đến gõ cửa nhà bạn :
“Tôi muốn anh cho tôi mượn một triệu vì tôi đang phải trả khoản nợ vay mua thuốc cho con trai tôi.  Anh giúp tôi được không?” 
         Người bạn bảo vợ gom hết mọi thứ giá trị họ đang có, nhưng cũng không đủ. Hai vợ chồng phải đi mượn hàng xóm cho tới khi gom đủ số tiền.
Khi anh nọ đi rồi, vợ thấy chồng mình khóc.
“Sao anh lại buồn? Giờ đến lượt hai vợ chồng mình lại nợ hàng xóm, có phải anh sợ mình không trả nợ nổi?”
“Chẳng phải vậy đâu! Anh khóc vì anh ấy là người anh rất quý mến, vậy mà anh chẳng hề biết anh ấy gặp hoạn nạn. Anh chỉ nhớ tới anh ấy khi anh ấy đến gõ cửa hỏi mượn tiền.” 

 3.Tiếng đóng cửa  (chuyện cũ)

          



         Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
         Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi. Mẹ tôi khuyên: "Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm".
          Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm. Có người khuyên: "Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu..." Rồi người ấy nói tiếp: "... Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được. Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm! Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: "Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi". 
        Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở. Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: "Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn..." Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức. Mẹ tôi an ủi: "Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được..." 
        Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất. Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận. Tôi nói với mẹ: "Mẹ nói đúng thật!" Nhưng tôi bỗng bất ngờ… khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ. Mẹ tôi nghẹn ngào nói: "Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn. Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi.
        Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy. Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: "Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi". Rồi cậu nói trong tiếng nấc: "Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ..." 
        Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra...Tôi thấy mình quả là vô tâm.
     

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Ba chuyện tình

1.Không chịu buông tay!

            Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!
         Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càng gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. 
           Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. 
         Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ không buông tay. Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.
        Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công. Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!
          - Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. 
            Cậu bé nói với phóng viên:- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.
           Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.  ( còn 2)
              

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đơn xin nghỉ học

Một tuần nữa lại đi qua!
Loay hoay mấy ngày ở Nha Trang có việc đại sự, về lại nhà là một mớ công việc lu bu thường nhật hết cả thời gian. Cũng may là mấy người bạn ở nước ngoài thường xuyên "meo" cho một mớ chuyện, đọc cũng thấy hay hay. Hôm nay cuối tuần, chia sẻ với bạn bè chuyện này, xem như để thư giãn vậy.



Lá thư xin nghỉ học của cậu học trò viết:

“Gửi ban giám hiệu trường ta.
Cùng cô chủ nhiệm chính là cô Nhung.
Hôm nay em viết đơn này
Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương
Em tuy vẫn nhớ lớp, trường
Nhưng mà sức khỏe khó lường mối nguy
Suốt đêm em sốt li bì
Trán nay nóng hổi, yếu suy quá chừng
Việc học chắc phải tạm ngừng
Để còn điều trị kẻo chừng… thăng thiên!
Bài ghi em sẽ chép liền
Em xin lỗi đã làm phiền thầy cô!”.

Theo thông tin nhiều bạn đọc cung cấp, đơn xin nghỉ học “độc nhất vô nhị” xôn xao cư dân mạng trong thời gian vừa qua do cậu học trò Phạm Quốc Đạt, lớp 11 Toán 1 trường THPT L.Q.Đ (TP. Vũng Tàu) sáng tác.

Ngay sau khi lá đơn xin nghỉ học bằng thơ “có một không hai” của học sinh được truyền trên mạng, một đoạn thơ lục bát khác được coi như lời đối đáp của “thầy cô” cũng đã được tung lên mạng với giọng điệu khá hài hước.

“Thầy cô trả lời”:

Thầy cô nhận được đơn rồi.
Sốt cao cứ nghỉ chứ đừng ngại chi
Bài vở sau khỏe hãy ghi
Em lo điều trị kéo thì Thăng Thiên
Thầy cô không sợ làm phiền
Chỉ sợ em ngủ , mơ tiên dẫn đường
Biết rằng nhớ lớp nhớ trường
Hãy vì sức khỏe mà thương lấy mình...!!!
Khi nào sức khỏe an bình.
Cố gắng đến lớp chúng mình gặp nhau.
Về trường có trước có sau.
Đừng vì cái vụ em đau... hết tiền.
Cô kêu lên bảng liền liền
Bài tập cô vặn cho điên cái đầu.
Hỏi : sao vở lại nát nhàu.
Bài ghi không đủ mặc dầu có ghi.
Cô không gợi ý đề thi
Cuối năm điểm kém tức thì lưu ban?

Một “cô giáo” khác cũng có lời hồi đáp với học trò của mình:

"Thương em bị sốt li bì
Đồng ý em nghỉ tiếc gì em đâu
Lo cho sức khỏe là đầu
Thầy cô các bạn luôn cầu cho em
Khỏe rồi đi học cố lên
Học sinh ngoan giỏi có tên của trò”.
 Khá nhiều bạn cho rằng đây là “sự sáng tạo phá vỡ sự khô khan vốn có của lá đơn xin nghỉ học bình thường”.
 Theo chia sẻ của Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tuy thơ của bạn học sinh không chỉn chu như kiểu mà thầy cô mong muốn nhưng "đáng được chấp nhận vì sự phá cách, sáng tạo mà không phải học sinh nào cũng có”.
                                                                    Theo Phong Đăng

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Bộ quần áo cũ




(Bạn gửi cho câu chuyện, mời mọi người đọc)


         Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
         Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
          - Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
          - Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
        - Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.
Ông già buồn rầu, lặp lại:
         - Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
         -  Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
        - Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Điều nên làm ngay


           
          Trong một khoá học chuyên tu ngành tâm lý học, vị giáo sư ra đề bài về nhà: “Trong vòng một tuần, anh chị hãy đến gặp người mà mình quan tâm và nói với họ rằng anh chị yêu mến họ. Đó phải là người mà trước đây, hoặc đã lâu anh chị không nói những lời như vậy.”
            Đề bài xem ra đơn giản. Thế nhưng, hầu hết cánh đàn ông trong lớp đều đã trên 30 tuổi và cảm thấy vô cùng khó khăn khi thể hiện đề bài này vì họ hiếm khi thể hiện tình cảm của mình với một ai đó.
         Đầu giờ học tuần sau, vị giáo sư hỏi có ai muốn kể lại cho cả lớp nghe câu chuyện của mình hay không. Dường như ông chờ đợi một phụ nữ xung phong trả lời. Thế nhưng, một cánh tay nam giới đã giơ lên. Anh ta trông có vẻ xúc động lắm:
“Cách đây 5 năm, giữa tôi và bố có một bất đồng sâu sắc, và từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết được. Tôi tránh gặp mặt ông ngoại trừ những trường hợp chẳng đặng đừng khi phải họp mặt gia đình. Nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng tôi cũng hầu như không nói với nhau một lời nào. Vì vậy, tôi đã tự thuyết phục bản thân đến để xin lỗi và nói với bố tôi rằng tôi yêu ông ấy.
            Quyết định ấy dường như đã làm giảm đi phần nào áp lực nặng nề trong lòng tôi. Đêm hôm đó, tôi hầu như chẳng chợp mắt được. Ngày hôm sau, tôi đến nhà bố mẹ và bấm chuông, lòng thầm mong bố sẽ mở cửa cho tôi. Tôi lo sợ rằng nếu mẹ mở cửa thì dự định của tôi sẽ không thành, tôi sẽ bày tỏ với mẹ thay vì với bố. Nhưng may quá, bố tôi đã ra mở cửa.
            Tôi bước vào và nói: “Con không làm mất thời gian của bố đâu, con đến chỉ để nói với bố rằng bố hãy tha lỗi cho con và con yêu bố”.
           Có một sự chuyển biến trên khuôn mặt bố tôi. Gương mặt ông dãn ra, những nếp nhăn dường như biến mất và ông bắt đầu khóc. Ông bước đến, ôm chầm lấy tôi và nói: “Bố cũng yêu con, con trai ạ. Nhưng bố chưa biết làm thế nào để có thể nói với con điều đó”.
          Đó là thời khắc quý báu nhất trong đời tôi. Hai ngày sau, bố tôi đột ngột bị một cơn đau tim và vẫn còn nằm trong bệnh viện cho đến bây giờ. Nếu như tôi trì hoãn bộc lộ với bố, có lẽ tôi không bao giờ còn có cơ hội nào nữa”.
Dennis E. Mannering