Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Thơ vui của Nguyễn Bảo Sinh


Vợ
 Vợ là cửa cái, Bạn gái là cửa sổ.
 Càng nhiều cửa sổ càng sang,
 Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra.
 Vợ là cửa cái nhà ta,
 Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng.

Vuông tròn
 Ngày xưa trái đất hình vuông
 Cho nên đi đứng trên đường thẳng hơn
 Bây giờ trái đất hình tròn
 Cho nên bao kẻ lom khom định bò.
Bịt tai
 Muốn bịt hết miệng trần ai
 Hãy bịt ngay chính lỗ tai của mình.

Yêu
 Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
 Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì
 Yêu nhau đâu bởi hàng mi
 Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
 Yêu là yêu, có thế thôi…

Nợ
 Nợ tiền trả hết là xong,
 Nợ tình càng trả càng phong lưu tình.
 Sang, về ?
 Cùng chung một chuyến đò ngang
 Kẻ thì sang bến,người đang trở về
 Lái đò lái mãi thành mê
 Sang về chẳng biết mình về hay sang

  Nhân Cảnh
 Ngồi nhìn non bộ đứng im,
 Ngắm cá trong chậu, xem chim trong lồng.
 Cây si bẻ quặt uốn cong,
 Còn mình tự nhốt vào trong lẽ đời.

 Ly thân
 Vì yêu tha thiết con người,
 Cho nên mới lánh về nơi không người.
 Quạnh hiu ngay giữa đất trời,
 Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương.
 
 Độc thân
 Những người quyết chẳng lấy ai
 Là người chỉ quyết một hai lấy mình
 Tương tư trong mọi mối tình
 Là tương tư chính bóng hình của ta.
 
 Tình đầu
 Tình nào cũng mối tình đầu,
 Không ai đến được nơi đâu hai lần.
 Không gì cũ như mùa xuân,
 Mỗi khi xuân đến vẫn lần đầu tiên.
 Gần chùa gọi bụt bằng anh,
 Anh hùng nhìn mãi cũng thành thường thôi.
 Tiên nữ cũng chỉ là người,
 Từ Thức yêu chán bỏ trời về quê

 Tri âm
 Mới yêu nhìn đã tri âm,
 Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây.
 Nói toàn ngoại ngữ với nhau,
 Không người phiên dịch, ngẫm đau nhân tình.
 Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
 Cho nên được gọi là khôn hơn người
 Em xinh đâu bởi nụ cười
 Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Khoảng cách


Thầy và trò đang đi du ngoạn trên dòng sông thì thấy một gia đình trên bờ sông la hét với nhau đầy giận dữ. Thầy liền quay lại những người học trò của mình, khẽ mỉm cười hỏi: “Tại sao con người khi giận dữ lại hét lên với nhau?”.
Những người học trò ngẫm nghĩ một lát rồi một trong số họ lên tiếng: “Bởi vì chúng ta mất bình tĩnh nên phải hét lên với nhau”. 
Thầy lại tiếp tục: “Nhưng tại sao lại phải hét lên với người bên cạnh trong khi bạn có thể nói những suy nghĩ của mình một cách mềm mỏng hơn?”. 
Những người học trò khác cũng đưa ra một vài lời giải thích nhưng không ai có câu trả lời làm hài lòng Thầy cả. Cuối cùng Thầy bèn giải thích: 
“Khi hai người giận dữ với nhau thì trái tim họ có một khoảng cách rất lớn. Vì khoảng cách đó, họ phải hét lên để có thể nghe thấy nhau nói. Và khi họ càng giận dữ, khoảng cách lại càng lớn nên càng phải hét thật to. 
Vậy điều gì xảy ra khi hai người đang yêu nhau? Họ không hề kêu la với nhau mà ngược lại, nói chuyện nhỏ nhẹ và tình cảm. Bởi vì trái tim của họ đang rất gần nhau. Khoảng cách giữa hai người là không tồn tại hoặc rất nhỏ...”. 
Thầy tiếp tục mỉm cười: “Và khi họ yêu thương nhau nhiều hơn nữa, tình cảm rất sâu đậm thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ không nói, chỉ thì thầm, họ thậm chí còn gần sát nhau trong tình yêu như một sự hòa quyện và là một khối thống nhất. Cuối cùng họ thậm chí không cần phải thì thầm, chỉ nhìn nhau và đó là tất cả”. 

Khi bạn tranh luận với ai, đừng làm trái tim mình hình thành khoảng cách. Cũng đừng làm tổn thương trái tim người đối diện, bởi sẽ có một ngày khoảng giữa hai người trở lên rất lớn, tới mức không thể quay về được với nhau.
(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Ngày của cha



Nhân ngày của cha 16/6, mời đọc một số chuyện ngắn

Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa…”

Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường quàn quả các thứ lo đám cưới cho anh.
Anh kế, rồi đến tôi đám cưới ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo...
Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...
Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghĩ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.

Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì ?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận"
Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố ...
Chuyện của nội
Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít...
Dường như nội cũng mừng lắm. Nội ra vào, hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...
Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy, vẻ quí lắm.
Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống, vỡ tan...
Ba
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…


Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Mưa về


Sáng nay, bất chợt Phan Rang mưa, cơn mưa dầm đầu mùa làm mình cũng cuống quít theo mưa. Bầu trời xám xịt.
Dĩ nhiên mưa từ trời rơi xuống và cũng dĩ nhiên mưa do nắng nóng làm cho sông hồ bốc hơi, hơi nước bay lên tụ lại thành mây, mây ngưng đọng lại làm nước rơi xuống thành mưa. Nên trong mưa có nắng, trong mưa có mây, trong mưa có vân vân. Và ngược lại. Cũng thú vị! Cái vòng lẩn quẩn mà không lẩn quẩn chút nào.
Mưa. Sợi vắn sợi dài, như lòng người lúc khoan lúc nhặt. Mưa tỉ tê, mưa lất phất, mưa lay phay. Mưa mềm như áo lụa ai bay.
Mưa lộp độp trên mái ngói những ngôi nhà bề thế cao sang mong làm trôi đi những đam mê tiền tài, danh vọng.
Mưa bòn bon trên mái tôn những  ngôi nhà  ọp ẹp vùng sâu xa nhắc nhở hãy an tâm mà chịu đựng nghiệp dĩ bao đời.
Mưa lạch bạch từng bước chân ngập bùn của các thanh niên tình nguyện đi làm từ thiện ở những vùng nông thôn mùa mưa lũ. Mưa lùng bùng trong đầu không biết làm việc gì mà cứ mãi lăng xăng.
Mưa xa như tình người, mưa gần như với tay. Mưa dai như cơn buồn. Mưa đan từng sợi, từng sợi như võng đưa.
Mưa chen nhau trên phố hẹp đông người. Mưa quay quắt những ai đã rời xa chốn cũ. Mưa dập tắt những giận hờn nóng nảy. Mưa mát rừng cỏ cây thay lá. Mưa nảy mầm những hạt giống yêu thương. Mưa trôi đi những nhơ nhớp đời thường.
Mưa xô mẹ già quang gánh chao nghiêng. Mưa trượt chân những cô cậu mới vào đời. Mưa ngoi ngóp những con sâu đang bị ngập nước. Mưa dùng dằng nửa muốn tạnh, nửa muốn rơi.
Mưa vắt qua hiên nhà, mưa bò qua khe dột. Mưa lanh canh soong nồi, mưa vây quanh ai ngồi. Mưa cứ mưa hoài mưa mãi, mưa cho nắng chờ mòn mỏi.
Mưa cũng có nơi rất mừng và cũng có nơi rất buồn. Cùng một thời điểm, có những vùng rất cần mưa và cũng có những vùng chưa cần mưa. Những nơi cần mưa, khát mưa, nhưng mưa lại không ghé. Những nơi chưa cần mưa hoặc đang cần nắng, mưa lại xối xả tuôn. Cuộc đời này có những nghịch lý không hiểu nổi. Trời chưa ở vừa lòng người, huống chi người với người.
Mưa bào mòn đá núi, mưa xanh rừng cho cây, có cơn mưa bóng mây, chợt đi rồi chợt đến, có cơn mưa ngọt lịm, vốc nước soi mặt mình, nước lọt kẻ tay hở, mưa ngẩn ngơ lặng thinh.
Tôi đã cảm nhận được: Sài Gòn “mưa rồi lại nắng”, Huế mưa phùn dai dẳng lạnh cắt da và nghe nói Hà Nội mưa thu bay bay buồn như dưa nẫu ruột. Ba miền mưa nắng khác nhau, thổ nhưỡng khác nhau, tình người khác nhau, ứng xử khác nhau…

Trời cứ lòng vòng hết nắng rồi lại mưa. Đời cũng lòng vòng hết ngày là đến tối. Sáng bình minh chiều lại hoàng hôn. Sau bình minh và hoàng hôn là màn đêm. Giữa bình minh – hoàng hôn là đứng bóng. Có gì đâu mà lóng ngóng. Phải không người/.