Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ



Sáng nay, Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ  tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Tổ Trần Nhân Tông, vị vua đời Trần bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử tu thành đạo, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thượng tọa trú trì Thiền Viện là chỗ thân thiết từ lâu. Thiền Viện ban đầu được giao khu đất thuộc núi Đá Chồng khoảng bốn mẫu để xây dựng. Nói là giao đất nhưng đây là một khu đồi đá và xương rồng cùng những mồ mả chôn cất từ bao đời nay. Trên đồi là khu miếu thờ Khổng Tử  được xây dựng từ đầu thập kỷ 1970 nhưng bỏ hoang từ sau giải phóng. Đứng trên đồi nhìn xuống thì phong cảnh tuyệt đẹp. Trước mặt là bờ biển Ninh Chữ với hàng dương lâu năm tỏa bóng. Xa xa về phía bắc là một dãy núi kéo dài ra tận biển với hòn đá mặt quỷ trên đỉnh núi. Dưới chân dãy núi là  quê hương của nguyên tổng thống NVT. Sau dãy núi Đá Chồng này là hòn đá “dao” với truyền thuyết là để khống chế cái mặt quỷ trên núi không cho quỷ lộng hành. Tháng tư năm 1975, ngày TT Thiệu ra đi thì bỗng nhiên hòn đá “dao’ kia cũng không biết lý do gì đã ngã dài theo triền núi, không còn dựng đứng như trước nữa.
Đó là chuyện cách đây đã gần bốn mươi năm. Cũng tại nơi này hơn bốn chục năm trước, một ông thầy giáo trẻ vừa ra trường về nhận việc tại ngôi trường mà trước đây TT Thiệu đã học từ lớp năm đến lớp ba đồng ấu. Ngôi trường đó giờ cũng đã biến mất, thay vào đó là dãy cửa hàng buôn bán xe gắn máy, quán ăn….mọi dấu vết của ngôi trường đều đã bị xóa sạch. Kỉ niệm một thời chỉ còn trong ký ức ông giáo làng qua một số học trò cũ trong làng, gặp thầy vẫn thân thương  mời gọi dù đã cháu chắt đùm đề. 

Chánh điện-Nhà Tổ và Tăng viện

                                                      Tổ Đạt Ma và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử
Thời đó, đứng trên đỉnh núi nhìn xuống là cây cối xanh mát, nhà cửa lô nhô xen kẻ giữa một vùng ruộng muối trắng xóa dưới ánh mặt trời. Sát bờ biển, núp bóng dưới hàng dương cao vút là ngôi nhà mát bằng gỗ bình dị của TT Thiệu  chỉ rộn ràng vài tháng một lần. Còn lại là một không gian bình yên, lặng lẽ của một vùng quê thanh bình.
Có lẽ cái duyên với chùa chiền cũng được khơi dậy, kết nối với quá khứ xa xưa  từ những chiều sau buổi dạy, sánh vai cùng với một cô giáo cùng khóa  lang thang  dưới bóng dừa xanh mát  của con đường vào ngôi chùa Trùng Khánh cổ kính. Nơi đây cũng là nơi tu học của hai chú tiểu học trò tóc còn để chỏm. Thầy trụ trì là Chánh Đại diện của Giáo Hội PG trước GP, hiền từ, đạo hạnh. Không gian chùa yên tĩnh, những buổi nói chuyện đạo với thầy  đem lại cho  người nghe sự thanh thản , an bình.
Trên sườn núi còn có một ngôi chùa khác, nơi đây cũng có một cô bé học trò xuất gia xuống học, đến nay chùa  đã hoang phế, cô học trò….sau này đi dạy Mẫu giáo và đã ra đời, lấy chồng nhưng chùa vẫn là tài sản của cô nay vừa hiến cúng lại cho Thiền viện. Tên chùa là Trùng Quang, tiểu ni học trò có đạo hiệu là Thích Nữ Diệu Linh, tên trong lớp là Võ Thị Liên Hoàn, hiền ngoan, học giỏi, tiếc là không đủ duyên để đi tiếp đến cuối đường tu học.
Trên sườn núi còn có một ngôi chùa khác, nơi đây cũng có một cô bé học trò xuất gia xuống học, đến nay chùa  đã hoang phế, cô học trò….sau này đi dạy Mẫu giáo và đã ra đời, lấy chồng nhưng chùa vẫn là tài sản của cô nay vừa hiến cúng lại cho Thiền viện. Tên chùa là Trùng Quang, tiểu ni học trò có đạo hiệu là Thích Nữ Diệu Linh, tên trong lớp là Võ Thị Liên Hoàn, hiền ngoan, học giỏi, tiếc là không đủ duyên để đi tiếp đến cuối đường tu học.
  Cao hơn nữa, trên đỉnh núi, leo lên ba trăm bậc cấp là chùa Trùng Sơn. Hòa Thượng trụ trì chùa này cũng là thân phụ của một giáo viên cùng trường, xuất gia khi con cái đã thành đạt. Đến nay, Trùng Sơn đã được tu sửa khang trang, rộng rãi, sư trụ trì đã viên tịch. Kế tục sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của người là một tu sĩ mới tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở Ấn Độ về, hoá ra cũng là một học trò cũ lâu nay mất dấu. HT trụ trì cũng khéo chọn người vì hiếm có một “tu sĩ tiến sĩ” Ấn Độ lại khăn gói về nối nghiệp thầy tại nơi hoang vắng này.
 Bốn mươi ba năm lạc bước đến đây, giờ chợt nhận ra một điều: mọi cái vẫn còn đó cho dù không còn nguyên vẹn như xưa. Núi, đồi, hàng dương, ruộng muối, những ngôi chùa…và cả cái tên Núi Đá Chồng vẫn là những chứng nhân của một thời đã qua.