Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Mẹ anh...phiền thật!



(Nhân mùa VU LAN 2013, xin gởi đến tất cả những ai còn hay đã không còn MẸ)

- Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.
- Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.
Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế.
Về nhà, cô ngồi trên ghế sô-pha, nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.
- Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi. Em sắp điên rồi đây. Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa 2 bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.
- Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống 1 chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.
- Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.
Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là 1 xấp hình, anh lấy ra 1 tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.
- Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh. Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi vậy mà mẹ vẫn cố cãi ” Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh”, mẹ anh phiền thật đó.
Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bỗng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa 1 điều gì đó rất lạ. Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua 1 bên, lấy 1 tấm khác cho cô xem.
- Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả. Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng 1, 2 cứ khư khư giữ anh vào lòng ” Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt”. Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.
Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, 2 bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé. Cô nhìn anh không nói gì cả.
- Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra 1 tấm khác nhìn vào đó.
- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn 1 năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng. Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe ” Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó “. Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ? – Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc ” Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin”, mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.
- Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên 1 xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh- Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, ” mẹ anh phiền nhỉ “?
Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm 1 tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, 1 tấm hình rất đạp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…
- Em có thấy không? Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ ? Còn áo quần nữa này, cũ mèm…- Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng. Cô nắm lấy tay anh.
- Năm 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học…Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ. Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn 1 chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…- Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được 1 tí thôi, vậy đó…Em thấy mẹ anh khỏe không?
” Tách”, 1 giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, 1 bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.
- Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.
- Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ. Khi 5 tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên 1 thân thể rất quen…mẹ anh đó. – Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.
- Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn 3 chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.
"Anh" , cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, "em xin lỗi" , anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.
"Choang"- Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.
- Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.
- Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ – Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.
"Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”
(sưu tầm)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Vu Lan lại nhớ mẹ nhiều hơn


Năm mươi năm, mẹ sống một mình trong khu vườn ấy. Vườn rộng bảy sào Trung bộ của bà nội để lại  với dăm cây mít, vài cây ổi, mứt, chay, mừng quân, khế.. xung quanh bao bọc bởi rồn tre, sát rồn tre là thơm mọc dày đặc.
Làng cách thành phố hơn chục cây số thuộc vùng đất thời đó còn xem là khỉ ho, cò gáy. Năm mươi năm, mẹ đã cần mẫn trồng trọt, chăm bón quanh quẩn trong khu vườn, chắt chiu từng đồng để gửi ra thành phố nuôi con. Mùa nào thức ấy, mẹ trồng khoai, mè, sắn trong khoảng đất còn trống. Lúc rỗi, mẹ vào độn chặt cây chổi, đào gốc làm củi...gánh bộ sang chợ Hương Cần cách làng khoảng năm cây số để bán. Sau vụ lúa, mẹ xuống đồng lượm từng nhánh lúa rơi sót, đào mót từng củ khoai mà chủ ruộng bỏ lại. Thời gian chính vẫn là chăm sóc khu vườn. Mẹ trồng vài chục cây chè, vài cây ổi sẻ, dăm cây cau, ít cây chuối. Dưới gốc cau là đám trầu xanh tốt. Nhà thì là nhà tranh vách đất. Tre, tranh có sẵn trong vườn. Mẹ đốn tre, ngâm nước mương để dành làm kèo cột. Tranh thì cứ cắt rồi phơi phóng, chất vào chái nhà. Lúc rảnh, mẹ chẻ hom ngồi đan thành từng tấm, xếp lại để dành lợp nhà, ai hỏi mua cũng bán, ai thiếu đến xin mẹ cũng cho.
Thời gian chiến tranh cấp tập đến làng, mẹ đành phiêu bạt khắp nơi lánh nạn với con nhưng vẫn cứ đau đáu tiếc hàng cau, buồng chuối. Ngày hòa bình trở lại, mẹ quay về chốn cũ. Khu vườn sau chiến tranh tuy vẫn còn cây cối nhưng đã xơ xác một phần vì bom đạn, một phần vì thiếu tay người chăm sóc. Cũng chỉ một mình, mẹ phát quang, dọn dẹp... chặt tre, cắt tranh dựng lại ngôi nhà với sự giúp sức duy nhất của một người anh họ sau chiến tranh lành lặn mới trở về.
Mẹ trồng lại hàng cau trước nhà, vài dây trầu, khoảng chục bụi chè xanh. Thế là có đủ cho nhu cầu của mẹ. Hàng mít cổ thụ vẫn cho trái. Chiều chiều mẹ mang ra chợ cùng với vài trái ổi, mụt măng, đôi cái bắp chuối, vài trái thơm đổi lấy gạo, cá về ..ăn một mình cả tuần chưa hết. Và cũng chỉ ăn để làm, mọi nhu cầu khác của mẹ hầu như không có.Trong nhà, mẹ làm chuồng nuôi một con heo mọi, thả trong vườn vài con gà  và thêm một con chó nhỏ bầu bạn.
 Mỗi năm, chị em tôi chia nhau về một lần, sắm cho mẹ được vài thứ rồi lại đi để lại nỗi cô đơn cho mẹ. Cho đến một ngày .......
Năm mẹ tuổi tám mươi, mẹ yếu sức, bệnh nặng. Hai đứa con bàn nhau chuyển mẹ đi thành phố trị bệnh mặc dù chỉ là bệnh già và suy kiệt do lam lũ, thiếu vắng bóng con chăm sóc. Có lẽ bà mẹ quê nào cũng vậy, dù cho con đã bao lần năn nỉ mẹ rời bỏ khu vườn để về cùng con nhưng mẹ chẳng ưng, cứ nằng nặc ở lại giữ vườn. Và lần cuối cùng này, mẹ không còn sức để phản ứng.
Chị mướn xe đưa thẳng mẹ về thành phố biển, nơi chị và mấy đứa cháu ngọai sinh sống, làm  ăn lâu nay để tiện chăm sóc, thuốc thang. Mẹ hồi phục nhanh chóng, như cánh đồng khô hạn lâu ngày gặp nước. Và không lâu sau lại quay quắt đòi về quê. Chị bối rối, không biết làm cách nào bèn cầu cứu em. Chị nói dối mẹ là về ở chơi với em một thời gian rồi về quê, mẹ bằng lòng.
Thằng em sắp xếp đưa mẹ về sống cùng mặc dù có những khó khăn. Không phải về vật chất, nhưng chỉ sợ mẹ buồn vì phải đối diện với những “hạt sạn” trong  sinh hoạt thường ngày. Cả nhà đi làm, mấy đứa cháu đi học, mẹ thui thủi một mình ở nhà. Chẳng có vườn, chẳng có cây, chẳng có hàng xóm láng giềng gần gũi, mẹ cứ ngồi tựa cửa trông con mỗi sáng, mỗi chiều. Chỉ còn đứa cháu nội út ở nhà, thương bà nên tận tình chăm sóc. Ngoài giờ học là quấn quít bên bà, hỏi han, nói chuyện để bà vui.
Tuổi già lại thích có tiền để đếm. Thằng con biết ý mẹ, vài ba ngày lại đưa cho mẹ một mớ tiền nhỏ để mẹ đếm. Đếm xong, mẹ xếp cẩn thận, bỏ vào ba lớp túi áo bà ba. Lâu lâu, lôi ra đếm hoặc cho thằng cháu út vài tờ...và dần dần mẹ quên đi chuyện về quê. Mọi chuyện ở quê chị đã về sắp xếp chu tất. Chị mướn người giữ vườn, cho hàng xóm tất cả đồ đạc mẹ cất giữ bấy lâu vì chẳng còn gì đáng giá để mang đi. Thằng em lại nói dối mẹ, lâu lâu đưa cho mẹ vài trăm nói là người ta bán cây trái trong vườn mới gửi tiền vào, vậy là mẹ yên tâm ở lại.
Vào mùa Vu Lan, các anh chị em Phật tử lại đến chúc thọ mẹ, mẹ chỉ biết chắp ta A-Di-Đà Phật và cám ơn chứ chẳng biết nói gì. Tưởng là cuộc sống của mẹ cứ thế bình yên qua đi, không ngờ...
Ngọn đèn cạn dầu, mẹ yếu dần nhưng vẫn tỉnh táo, cơm ngày ba bữa không bỏ bữa nào. Thấy được sự vô thường của cuộc sống, thằng em gọi cho chị về và chuẩn bị mọi sự cho mẹ. Hai ngày cuối mẹ không ăn, mẹ chỉ nằm nhắm mắt. Hôm đó, trước khi đi hoàn tất một số việc cuối cùng, thằng em thấy nước miếng màu đen ứa ra nơi khóe miệng mẹ, xót đau vì biết ngày cuối cùng đã tới, nó nhẹ nhàng lau sạch và nhỏ vài muỗng nước, mẹ nhắp vài cái rồi ngủ, hơi thở vẫn đều.

Yên tâm, thằng em ra đi, uống vội ly cà phê sáng rồi trở về nhà. Chị đang ngồi giặt đồ cho mẹ bảo em vào xem mẹ thế nào. Như có linh cảm, nó chạy vội vào, thấy mẹ im lìm…đặt tay lên mũi, mẹ đã không còn hơi thở. Mẹ đã nhẹ nhàng ra đi, gương mặt vẫn bình yên như đang ngủ. Thế là hết, hết tất cả, không còn gì. Hai chị em khoanh tay bên giường mẹ nhìn nhau, nước mắt như đã chảy vào trong.

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Cha mẹ đếm từng ngày chờ hiến mắt cứu con trai thủ khoa Đại học

Mùa Vu Lan về, đọc để thấy thời nào cha mẹ cũng là người không ai có thể thay thế được.


GiadinhNet
      Nguyễn Đình Chung từ khi ba ngày tuổi đã phải vào bệnh viện vì đôi mắt lúc thì mở được, lúc lại dính chặt vào nhau, không thể hé ra. 18 năm khó nhọc đã trôi qua cho đến khi Chung vào đại học, đối diện với thử thách còn chông gai hơn khi phải xa bố mẹ. Thương con quặn lòng, bố mẹ Chung quyết định mỗi người sẽ hiến một bên mắt để cho con đôi mắt lành lặn...
      3 ngày tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Chung (thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã phải cùng bố ra viện vì đôi mắt lúc thì mở được, lúc lại dính chặt vào nhau, không thể hé ra. 4 ngày tuổi, gia đình đôn đáo đưa Chung lên bệnh viện tỉnh. 5 ngày tuổi, người bố Nguyễn Đình Dũng đã phải đạp xe đến 30 cây số để đưa con ra Viện mắt Trung ương khám. 6 ngày tuổi cậu bé sơ sinh đã phải nhịn bú mẹ để bác sĩ ở viện mắt có thể tiến hành các xét nghiệm... Nhận được kết quả “Một bên mắt bị viêm màng bồ đào phôi thai, hòa dịch kinh không chữa trị được, bên mắt còn lại chỉ có thị lực 1/10”, đất trời như sụp đổ dưới chân anh Nguyễn Đình Dũng... Thoáng chống, 18 năm đã trôi qua...
Trường học đi tìm sinh viên
           Ngày học sinh lớp 12 trên cả nước náo nức chuẩn bị nộp đăng ký dự thi đại học, đại diện trường Đại học Kinh Bắc đã về tận trường PTTH Tiên Du 1 làm việc, bày tỏ nguyện vọng mong muốn một số học sinh tiêu biểu của trường thi vào Đại học Kinh Bắc. Chung là học sinh đầu tiên được nhà trường gọi lên để nói chuyện với phía đại diện Kinh Bắc. Chỉ sau một thời gian ngắn, Chung nộp đăng ký dự thi vào trường, Đại học Kinh Bắc đã đưa Chung lên Hà Nội khám mắt. Kết quả cũng không có gì khả quan. Mẹ Chung, chị Nguyễn Thị Khánh cho biết: “Các bác sĩ bảo căn bệnh bẩm sinh này không thể chữa được. Nếu để nguyên thì cháu còn có thể nhìn thấy được, nếu động dao kéo vào, nguy cơ cháu bị mù luôn là rất cao”. Chị Khánh tâm sự: “Tôi cứ đứng trân người nghe kết luận bác sĩ như thế không biết bao lâu. Cũng may, ông bà chủ đầu tư của trường Đại học Kinh Bắc rất tốt, họ bảo với tôi cứ yên tâm, họ sẽ "còn nước còn tát", cố gắng tìm mọi cách mang lại cho Chung nguồn ánh sáng để Chung có thể thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình”. 
            Chị Nguyễn Thị Khánh bày tỏ: “Chúng tôi ít học nên không hiểu biết gì về căn bệnh của cháu, chỉ biết cố gắng khám xét, chạy chữa cho con từ thưở còn đỏ hỏn. Ngày ấy, các bác sĩ chỉ bảo chờ đợi cho y học tiến bộ hơn...”. Chị ngừng kể, lấy tay quệt dòng nước mắt đang chực chảy ra trên khuôn mặt khắc khổ của mình. Chờ cho cơn xúc động qua đi, chị Khánh, tâm sự tiếp: “Từ bé, Chung đã được các bạn cùng lớp quý mến, không rủ được Chung đi chơi, ngày nào bạn bè cũng đến nhà chơi, khi thì đá bóng, lúc thì cầu lông nhưng Chung cũng không tham gia được trò nào. Thấy con ngồi trên thềm nhà nhìn các bạn chơi đùa, gương mặt đăm chiêu mà tôi thấy như có muối xát vào lòng...”.
             Bố Chung, anh Nguyễn Đình Dũng cũng chia sẻ: “Thấy con thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi cũng đau lắm, chỉ còn biết động viên con cố gắng hòa đồng với các bạn rồi mọi người sẽ yêu quý, con sẽ không bị lạc lõng trong cuộc sống này. Chung có vẻ cũng hiểu nhưng vì luôn tự ti nên nó cũng không thực sự cởi mở, rất ít nói. Bây giờ thành chàng trai 18 tuổi rồi, nếu cứ tự ti như thế, tôi sợ cuộc sống của Chung sẽ rất khó khăn...”, anh Dũng ngập ngừng. 18 năm khó nhọc đã trôi qua, nhưng bây giờ, sẽ là một thời kỳ khó khăn hơn nữa với con trai anh, đứa con chưa bao giờ phải ra khỏi nhà một mình. Bây giờ mới là lúc, Chung thực sự bước vào một thử thách lớn: Đi học đại học xa nhà, bạn bè từ khắp mọi nơi rồi chuyện bạn trai, bạn gái tất yếu sẽ đến như dòng chảy của cuộc sống vốn vậy...

Mong mỏi được hiến mắt cho con

Cách đây 8 tháng, trong một lần ngồi nói chuyện với con ngoài hiên nhà, chị Khánh buột miệng: “Ước gì mẹ có thể cho Chung đôi mắt sáng của mình”. Nói là làm, chị bàn với anh Dũng chuyện hiến mắt cho con. Lúc này, anh Dũng cũng mới giật mình tại sao không nghĩ đến giải pháp này sớm hơn. Hai vợ chồng quyết định, mỗi người sẽ hiến một bên mắt để cho con đôi mắt lành lặn.

Họ mang câu chuyện nói với Chung, ban đầu Chung giãy nảy lên bảo: “Sao bố mẹ lại có ý định ấy (?). Những người hiến những bộ phận cơ thể như thế thường là những người không còn khả năng giữ được mạng sống. Bố mẹ còn trẻ, còn khỏe, còn phải nuôi em con nữa mà (Chung còn một cô em gái mới 4 tuổi – PV). Con không đồng ý đâu”. Phản ứng mạnh như vậy rồi Chung đứng dậy lên phòng mình nằm, bố mẹ gọi thế nào cũng không xuống.
             Chị Khánh kể: “Tôi lên phòng, lẳng lặng ngồi xuống giường nó và bảo với con rằng bố mẹ mất một mắt vẫn còn có thể đi làm, vẫn có thể nuôi em con, vẫn ra đường đi chơi cùng mọi người được. Tương lai con còn dài, bố mẹ không thể đi mãi cùng con được, con phải có đôi mắt sáng, sau này còn chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già chứ. Nghe tôi nói thế, nó im lặng một hồi rồi mới rụt rè bảo: “Con sợ làm khổ bố mẹ. Con sống 18 năm nay quen rồi, bố mẹ chưa biết cuộc sống không có ánh sáng khổ như thế nào đâu”.
               Kể đến đây, chị quay ra hỏi: “Cô có biết nghe con nói vậy, tôi đau lòng đến thế nào không? 18 năm qua là chừng ấy thời gian cả nhà cùng phải gồng lên để sống và chăm sóc Chung, không có lúc nào rỗi rãi mà ngồi tâm sự với nhau. Chung ít nói nên nó cũng chưa bao giờ tỏ ra than thân trách phận, thế mà hôm đó, lần đầu tiên nó nói đến sự khổ sở của người không thấy ánh sáng. Nước mắt tôi cứ tuôn ra như chưa bao giờ được khóc...”. Chị phải trấn an Chung rằng: “Bố mẹ còn một mắt để nhìn, vẫn thấy cuộc sống như bây giờ chứ có phải không nhìn thấy gì đâu. Con đừng suy nghĩ gì, cứ vui vẻ đón nhận, sau này hiếu thảo với bố mẹ là được rồi”. Nghe mẹ nói vậy, Chung im lặng. Một lúc sau, cậu mới nói, giọng rất nhỏ: “Nếu được sáng mắt thì tốt quá. Con hứa sẽ thật ngoan, học thật giỏi, làm thật tốt...”.
            Chuẩn bị xong tâm lý cho Chung, chị Khánh và chồng bắt tay vào viết lá đơn xin tình nguyện hiến mắt cho con. Nhưng ở chốn quê mùa, không biết phải đưa lá đơn đi đâu, trình bày với cơ quan, tổ chức nào nên bây giờ, nguyện vọng ấy vẫn chỉ là nguyện vọng... Chị Khánh tâm sự: “Cuộc sống gia đình khó khăn nên cả hai vợ chồng tôi đều mải miết mưu sinh nhưng trong suy nghĩ mỗi ngày, chúng tôi luôn mong muốn có thể san sẻ một phần ánh sáng của mình sang cho con”.
             Chị Khánh bày tỏ tha thiết: “Vợ chồng chúng tôi đã đồng lòng và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con một con mắt của mình. Thậm chí, nhiều lần cả hai đã thử tự bịt một mắt của mình lại để xem có bất tiện gì không... Bây giờ, tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong có một tổ chức nào đấy tư vấn cho chúng tôi phải làm thế nào, phải bắt đầu từ đâu để chúng tôi có thể mang lại nguồn ánh sáng cho con trai mình”. Anh Nguyễn Đình Dũng, người đàn ông hiền lành ngồi bên bàn nước thi thoảng lại nhìn sang Chung đầy trìu mến. Có lẽ, người đàn ông luôn rất khó để thể hiện cảm xúc của mình, dù rất thương con. Anh tâm sự: “Vợ chồng tôi cũng đã lường hết mọi khó khăn khi quyết định cho con nguồn ánh sáng của mình. Bây giờ chỉ chờ mong một đoàn chuyên gia nào đấy biết đến câu chuyện này”...
              Rời ngôi nhà giữa buổi trưa nóng nực, câu chuyện về Chung và tình yêu thương bao la của bố mẹ cậu cứ ám ảnh chúng tôi không ngừng. Người viết bài này cứ nhớ mãi mong muốn của anh chị Dũng – Khánh. Hy vọng, cơ hội sẽ đến để hai người thực hiện ước mơ hiến tặng ý nghĩa này, như một cách mở cách cửa tương lai cho chàng trai học giỏi, đầy nghị lực nhưng 18 năm đã phải chịu quá nhiều đau khổ, bất hạnh.      

                                                                                                    Bảo Phúc

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Truyện ngắn ...hay (tt)

Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi! ” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…

Nó (Quỳnh Châu)
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.
Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :"Mẹ có đi đâu!Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...".

Ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng -DIỆU AN
Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Vòng cẩm thạch (Jang My)
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiệc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía , cười :
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Cần thiết (T.T)
Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.
Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi : "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền". Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp : "Anh chỉ cần em".

Xót xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!