Trang

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Những tấm lòng


               THOMAS, NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÔ GIA CƯ ĐÃ TIÊU 100 USD NHƯ THẾ NÀO?

Để trả lời câu hỏi này, Josh Paler Lin - một công dân rất trẻ của thành phố Anaheim, bang California - đã tặng một người đàn ông vô gia cư 100 Mỹ kim và bí mật theo dõi xem ông ấy sẽ làm gì với số tiền vừa mới nhận được.
Người đàn ông vô gia cư tên Thomas tỏ ra ngạc nhiên trước hành động của Josh Paler Lin và giải thích một cách đơn sơ rằng anh ta chỉ cần đủ thực phẩm mà thôi. Tuy nhiên Josh Paler Lin vẫn trao 100 USD cho Thomas làm người đàn ông vô gia cư này cảm động không thể nói nên lời. Sau đó, Josh Paler Lin bí mật theo dõi người đàn ông với camera ẩn dấu và những hình ảnh thu được từ camera làm anh vô cùng xúc động.
Người đàn ông vô gia cư đã bước vào một cửa hàng bách hóa và trở ra với một túi đầy thực phẩm. Sau đó ông ta đi đến một công viên và chia số thực phẩm vừa mua gồm khoai tây chiên, bánh và nhiều thứ khác nữa cho những người vô gia cư khác với lời chúc “Happy holiday”.
Theo dõi diễn biến câu chuyện, Josh Paler Lin quyết định đến gặp Thomas và nói rõ sự thật câu chuyện. "Tôi cảm thấy thiếu nợ ông một lời xin lỗi. Đáng ra ông phải được đến cửa hàng sớm hơn. Ông đã làm tim tôi rung động (touch may heart)”, anh nói và tặng Thomas thêm một 100 Mỹ kim nữa.
Josh Paler Lin còn lắng nghe câu chuyện của người đàn ông vô gia cư đã trở nên tay trắng như thế nào."Tôi từng sống với cha mẹ. Bố dượng của tôi bị ung thư. Ông ấy phải vào bệnh viện nhưng không qua khỏi. Tiền bảo hiểm phải trả rất nhiều. Tôi mất việc làm, căn nhà của bố mẹ tôi bị bán đi và tôi trở thành một người vô gia cư", Thomas cho biết.
Josh Paler Lin  đã nói trên trang mạng: "Thật lòng tôi không mong đợi gì ở đoạn phim này mà chỉ nghĩ đó là một cách tìm hiểu về người vô gia cư. Nhưng tôi thật hạnh phúc khi được chứng kiến một khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Tôi không chỉ giúp đỡ một người đàn ông vô gia cư mà tôi thực sự được gặp một con người đáng kinh ngạc và một người bạn. Tôi đã theo dõi anh một vài dặm trong gần một giờ hoặc lâu hơn. Sau ngày hôm đó, tôi đã đưa anh ra ngoài ăn và đưa anh ta về một khách sạn ngủ đêm. Càng nói chuyện với anh, tôi càng cảm nhận được thế nào là thật, .... Tôi đã cho anh số điện thoại của tôi và nói với anh ấy gọi cho tôi khi anh ấy cần giúp đỡ.Điều này một lần nữa chứng minh rằng không phải tất cả những người vô gia cư là người xấu. Không bao giờ đánh giá một cuốn sách bằng bìa của nó.” 


Hôm thứ ba, một ngày sau khi đoạn video được đăng và đã đạt hơn 6 triệu người xem, Josh Paler Lin  đã quyên góp được hơn $36,000 trên một trang gây quỹ Indiegogo.com nói rõ quỹ này sẽ cung cấp cho một "khởi đầu mới" với Thomas giúp người vô gia cư.(Sưu tầm)

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

KHẨU NGHIỆP


Trong chùa, có một anh câm.  Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta.  Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng.  Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.
Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu.  Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh ...
Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được.  Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm.  Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.
Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.
Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”.
Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.
Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước. Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng. Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp.
 Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm.  Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”

Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp,thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa. □

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Mấy bài thơ cũ về buông....mà chưa buông được !



1. Vui chơi đến tận cuối đời
Bờ mê, bến giác đùa chơi tháng ngày
Buông ra rửa sạch hai tay
Thảnh thơi vui thú bèo mây sá gì 

2.Buông (Họa NMai)
Buông đi mọi thứ trên đời
Chỉ xin giữ lại tình người bao la
Buông cay đắng buông xót xa
Buông đi hờn giận của ta của người
Buông mê đắm buông hợt hời
Buông đi nhẹ gánh thảnh thơi chiều về 

3. Hãy cứ vui đi trả nợ đời
Băn khoăn cho lắm cũng vậy thôi
Mang chi thân phận con người
Đa đoan phận số khóc cười triền miên

Con đường đi dù đến cõi tiên
Hay dừng lại chông chênh cõi tạm
Cũng chỉ là một giấc mơ
Cũng chỉ là một bài thơ xé lòng

Có không, không rồi có, có không
Lênh đênh lãng tử vẫn phiêu bồng
Chiều nay trên bến chờ mong
Lặng lờ buông mái buồn trông én về

Quay về đi bản tâm ta còn đó
Chốn hồng trần vạn nẻo có vui chi
Buông nó đi,đời thênh thang rộng bước
Ôm mà chi ngày tháng có chờ ai

4.Tu đâu cho bằng tu nhà
Dọn tâm thanh tịnh gọi là thực tu
Trần gian như chốn ngục tù
Lỡ sa chân bước  nghìn thu chưa về
Quay đầu nhìn lại chốn quê 
Chỉ trong gang tấc lê thê dặm trường
Buông đi mọi sự vấn vương
Quê nhà đã tới cuối đường hư không

Ngày rồi qua, đêm rồi qua
Tháng năm rồi cũng trôi xa, cuối đường
Cội già chưa hết vấn vương
Nụ mai e ấp nhớ thương xuân tàn
Non kia chờ đợi mây ngàn
Mơ xưa tìm lại đã tan mất rồi
Thì thôi, vàng đá cũng thôi

An nhiên vui với nổi trôi tháng ngày

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Sống với nhau như thế nào?



Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau

Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau

Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... lụi tàn...

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Đối cảnh vô tâm mạc vấn ...thiền

                 

              Có thầy tu nọ rất mực thánh thiện. Sau nhiều năm dài tu hành tinh tấn, chuyên chú kinh kệ không một phút giây xao lãng, thầy thấy mình đã bước vào được cảnh giới tâm linh viên mãn.
                  Một đêm khuya nọ, sau khi xả thiền, thầy đi ngủ và nằm mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Tất cả mọi người đều sắp theo thứ tự ngôi thứ trên bàn tiệc. Thầy được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.
              Điều này khiến thầy băn khoăn không hiểu công phu đạo hạnh của người chủ tiệm đó cao đến mức nào. Sáng hôm sau, thầy liền tìm tới tiệm tạp hóa, tìm một chỗ khuất và kín đáo quan sát rất lâu. Thầy thấy tiệm không lớn lắm, nhưng không lúc nào ngớt khách. Chủ tiệm cũng chẳng có gì đặc biệt, luôn tay bán hàng, thu tiền, thối tiền, mà vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã.
               Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói:
               -Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá, cũng đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Xong rồi, tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.”
               Thầy chăm chú chiết dầu vừa xong, thì đúng lúc của hàng ngớt khách. Chủ tiệm lúc này cũng nghỉ tay bán hàng, liền bước tới hỏi thầy:
              -Nãy giờ lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?
              Thầy bẽn lẽn:               
               -Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật, Trời!”
Chủ tiệm cười hiền lành, bảo:
               -Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời, nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non, đong thiếu. Khi phục vụ khách hàng, tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy!”

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Trường xưa, bạn cũ


Năm học 1961-1962, trường Trung học Hàm Nghi mở một chi nhánh tại Tây Lộc. Có lẽ chẳng ai biết ông em mới sinh này vì nó chỉ có 1 lớp. Học sinh được tuyển thẳng từ các trường Thượng Tứ, Trần Cao Vân, Trần Quốc Toản, Xuân Lộc, An Hòa và một số trường khác mà tôi không nhớ tên… bao gồm những học sinh không đậu vào Trường Hàm Nghi nhưng học xuất sắc ở lớp Nhất
Ban đầu, học sinh được học trong một phòng học của trường Tiểu học Cộng đồng Xuân Lộc, sĩ số 51.Thầy Hoàng Ái và Cô Bích do Hàm Nghi đàn anh cử  lên giảng dạy. Thầy Hoàng Ái cũng như cô Bích dáng cao, ốm,  phụ trách đủ các môn kể cả tiếng Pháp, sinh ngữ chính. Năm Đệ Lục, có thêm thầy Lê Văn Chưởng phụ trách các môn công dân, văn chương. Trong năm Đệ Tứ cũng có ít thầy cô ở HN anh lên dạy: cô Châu, Thầy Nam, Thầy Đông. Năm này trường tạm mượn cơ sở Bồ Đề Tây Lộc để học và mở thêm lớp đệ Thất. Khi trường Bồ Đề sửa chữa, hai lớp học phải dời sang Đình làng cuối đường băng sân bay Tây Lộc, bây giờ là đường Thái Phiên. Nửa năm cuối của lớp đệ Tứ, trường được xây dựng hai phòng tại khu vực gần trường Tiểu học cộng đồng Xuân Lộc vừa đủ bốn lớp, chẳng có một phòng nào khác nhưng cũng được đặt tên là trường Trung học Tây Lộc nhưng còn phụ thuộc vào Hàm Nghi tất cả mọi chuyện. Ký ức chỉ ghi nhớ được chừng đó, có thể nhầm, có thể quên nhưng dấu ấn thầy trò, bằng hữu thì không thể phai.
Cuối năm 1964, khi thi tốt nghiệp Trung học, tất cả về thi chung với Hàm Nghi đàn anh, năm đó cũng là năm cuối cùng tổ chức thi, năm sau thì miễn thi. Giai đoạn sau thì chúng tôi mỗi người một nơi một phần do chiến tranh, một phần phải di chuyển chỗ ở, bạn bè ít khi gặp nhau và giờ thì chẳng còn nhớ nỗi dăm người.

Ngày đó, trong lớp có Nguyễn Đình Tư ở khu Xã Tắc có biệt danh là “Tư ròm”, Nguyễn Đại (Chợ Tây Lộc)Nguyễn Văn Thành (Thành Lé) hình như đã tử trận, Trương Phước Tập ở gần cửa An Hòa, Thúy (Mai Thúc Loan), Tống Châu Hòa, Nguyễn Đình Gẩm. Nguyễn Quang Sanh, Bùi Văn Nhựt, Lê Văn Kỷ, Hà Văn Ky, Tô Văn Ruộng.. là những người bạn thân nên còn nhớ. Sau này, khi về Huế cố tìm lại nhưng không thể.
Nhưng, mọi cái vẫn có thể. Mới đây thôi, tình cờ gặp Nguyễn Đình Gẫm trên facebook. Vậy là sợi dây tình thân được nối lại. Các bạn gặp nhau mừng quá nên hàn huyên đủ thứ qua mail. Nhất là Trương Phước Tập, nhà ở đường Tăng Bạt Hổ, ngoài cửa An Hòa, ngày xưa rất thân nhau. Bạn tặng cho bài thơ mừng hội ngộ (dù chỉ qua mail) :
                            TÂY LỘC TỤI MÌNH.
                    Bây giờ ngồi nhớ bạn xưa,
                    Về bao kỷ niệm sớm trưa một thời,
                    Tây Lộc ơi! Quốc Học ơi!
                    Thầy, Cô, Bằng Hữu "da mồi" không quên.
            Tình cảm thân thương đúng 50 năm sau không gặp nhau vẫn nồng ấm. Gẫm gửi cho mấy cái hình để nhận mặt bạn bè và Thầy trong các buổi họp mặt. Và tệ thật! Chỉ nhận ra ít bạn thân cũ qua một vài dấu tích trên những khuôn mặt mà thời gian đã làm phai đi ít nhiều, già hơn một chút, nhăn hơn một chút , hai màu tóc cũng khá nhiều.
        Phải vậy thôi vì nửa thế kỷ qua, cái còn lại vẫn là tình thân.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Chữ Tâm


Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động ngoại tỉnh. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.
Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Đặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.
- “ Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ hồ hởi kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Đúng là người nhà quê”- Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩm môm đánh thượt một cái và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.
- Xin chào.. xin….
Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Đi đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi”
Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vở ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản. “Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” - Người phụ nữ xót xa nghĩ.
Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Đúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh. Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói.
- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?
Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:
- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?
Người phụ nữ gật đầu.
- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?
Sau khi nghe xong người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.
- Chị cầm lấy đi. Tôi… tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.
Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.
Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:
- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.
- Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

- Số tiền em vừa đưa cho chị có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!
Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé.
Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu. Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:
- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?
Chàng trai lắc đầu
- Không, chị ạ.
Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói:
- Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.
Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:
- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.
Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nôỉ tiếng. Để đi tìm một người trợ lý đáng để tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.
Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Đấy là thứ mà công ty tôi cần”. 

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Rồi có một chiều- Thơ Thầy Thích Tánh Tuệ




Rồi có một chiều khi nắng phai
Vui, buồn, thương, ghét.. những bi ai..
Ta cười thả gió nghìn tâm sự
Luẩn quẩn niềm riêng chỉ mệt nhoài!

Rồi bỗng một ngày ta liễu tri
Niềm chân hạnh phúc, biết cho đi.
Ngày mai nhỡ tiếng vô thường gọi
Ta có mang theo được những gì ?

Rồi chợt một lần ta nhận ra
Trên đời mọi thứ sẽ phôi pha,
Không chi chắc thật và miên viễn
Và dĩ nhiên ta.. cũng đã già!

- Ta trả mây trời bao viễn mơ
Của ngày tuổi trẻ đã xa mờ.
Của đêm quen sống trong hoài niệm.
Bỏ hiện tại gầy hao, xác xơ..

Ta đã cưu mang một kiếp người
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi
Trót quên, chớp mắt trần gian mộng!
Mà sống mê man cuộc khóc, cười.

Rồi bỗng một ngày ta hiểu ra
Thân này đâu phải của riêng ta,
Mảnh tâm cuồng vọng làm đau khổ
Có nghĩa gì đâu để mặn mà .

.. Rồi buổi sớm nào trên bến sông
Tâm hồn ta chợt thấy mênh mông..
Lặng nghe trong cõi đời sâu thẳm
Chẳng có chi ngoài lẽ sắc, không.

Thích Tánh Tuệ

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Những chuyện cực ngắn



1-  Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Thầy giáo Việt Nam phê: "Không có chí lớn", còn thầy giáo người nước ngoài nói: "Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới".

Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình. 

2. Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: "Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát", bố hỏi: "Tại sao con chắc như thế?", con trai trả lời: "Vì không nghe tiếng mẹ la". 

Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình. 

3. Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: "Cẩn thận, coi chừng khét!", "Sao em bỏ ít muối thế?, "Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi". Người vợ bưc bội: "Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!". Người chồng mỉm cười: "Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải". 

Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. 

4.A nói với B: "Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm". B hỏi: "Thế anh có báo cảnh sát không?". A trả lời: "Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone". 

Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai. 

5. Có hai đoàn khách nước ngoài đến tham quan một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu "Kỳ hoa dị thảo" lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: "Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp". Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một thoáng rồi nói: "Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế".

Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn. 

6.Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với nhau: "Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!". 

Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to. 

8. Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức trang ấy lúc nẫy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: "Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?". Người chồng quay sang nhìn vợ: "Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh". 

Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường. 

9. Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới: 
-Em không nghe thầy gọi tên à? 
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép: 
-Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ! 


Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em tính khiêm tốn. 

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Phiếm luận về cà phê (sưu tầm)


Thứ 1:
        "Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét." 
         Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại café cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luôn trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng - những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn... 
Thứ 2:
          "Hãy bảo đảm café bạn uống cần phải luôn tươi mới. Hãy uống ngay khi pha xong bởi café chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời..." 
          Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết là hãy biết sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn... Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi... 
Thứ 3:
            "Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng..." 
           Về nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi về sự quan tâm, săn sóc trong tình yêu vậy. Nó nhắc nhở ta nên biết cân nhắc và trân trọng với những gì mình đang có. Sự quan tâm quá mức đôi khi sẽ không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu. Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng đi sự săn sóc, hay vì quá vô tâm và hời hợt thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo. Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi.
 Thứ 4:
          "Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha." 
           Nên dứt khoát trong việc tình cảm. Đừng nên cố gắng vớt vát với những thứ đã không thuộc về mình. Việc đừng sử dụng lại bã café cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến một điều gì khi mà ta đứng này mà vẫn trông núi nọ. Tập trung và trân trọng với những gì mình đang có. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc cho bản thân. 

Lời kết: 
      Để có được một ly café ngon - người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi. Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể không đòi hỏi những sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly café cuộc sống đã nói lên rất nhiều. Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly café thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt... Từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một triết lý café...

 Viết bổ sung
Thêm một triết lý về café: Café có đường!
Thứ 5: 
          Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên... nhấp 1 ngụm... và chợt nhận ra rằng, ly cafe' chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly...
            Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo..., và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Con voi và sợi dây



                                               
            Một người đàn ông trung niên đi qua chỗ đàn voi đang đứng. Bất chợt ông dừng lại, ngạc nhiên khi thấy những con voi to lớn nầy chỉ bị cầm giữ bởi sợi dây thừng rất nhỏ buộc phía chân trước, không hề có xích sắt, cũng chẳng có chuồng giam. Ông ta suy nghĩ: “lũ voi có đủ khả năng để dứt đứt dây, chạy đâu tuỳ thích! Nhưng tại sao chúng không làm thế”.
Ông ta đem thắc mắc trên hỏi người quản tượng, người quản tượng vui vẻ có pha chút tự hào trả lời: “ từ lúc nhỏ chúng tôi đã dùng loại dây thừng nầy, bây giờ dù chúng đã lớn nhưng chúng vẫn tin mình không thể dứt đứt nổi những sợi dây thừng thời ấu thơ ấy”.Thế  là chúng chẳng bao giờ có ý nghĩ  trốn chạy sự quản lý của chúng tôi.
Người đàn ông kinh ngạc  rút ra một nhận định: Những chú voi khổng lồ kia dư sức chạy thoát  sợi dây ràng buộc nhưng chỉ vì không tin chính mình, nghĩ rằng mình còn nhỏ như ngày nào nên đành theo “số phận”; còn  con người  thì sao?
( Theo tập truyện   Thiện Quang)

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Cùng vui tí chút!

Lâu nay để nhà hoang vắng quá,  bà con trách cứ, thôi thì đành tạ lỗi  bằng mấy chuyện cười thư giãn vậy (của bạn gửi cho).
             Sau khi giảng về lòng vị tha, vị linh mục hỏi các giáo dân của mình ai sẽ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Khoảng một nửa trong số họ giơ tay lên.
Chưa hài lòng, ông giảng thêm 20 phút nữa và hỏi lại câu hỏi cũ. 80% giáo dân giơ tay. Vẫn chưa hài lòng, ông giảng thêm 15 phút nữa và lặp lại câu hỏi trên. Nôn nóng vì đã quá trưa mà vị linh mục có vẻ vẫn muốn thao thao bất tuyệt, tất cả giáo dân đều đưa tay lên trừ một ông lão.
- Ông Jones, ông không sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù ư?
- Tôi không có kẻ thù nào.
- Thật lạ lùng. Thế ông bao nhiêu tuổi rồi?
- 96.
- Ông Jones này, ông hãy vui lòng lên đây và cho mọi người biết bí quyết để một người sống đến 96 tuổi mà không có một kẻ thù nào cả.
Ông lão bước lên phía trước rồi từ từ quay lại:
- Dễ ợt. Chẳng qua là tôi sống lâu hơn chúng nó thôi.
------------
        Một ông béo phì, không có thì giờ thể dục, bèn đi bác sĩ khám xin thuốc giảm cân. Bác sĩ cho lọ thuốc màu hồng, dặn uống mỗi tối trước khi đi ngủ. Uống thuốc đều đặn mỗi đêm, cứ đi ngủ là ông lại mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có bầy tiên nữ không mặc đồ, ông bèn rượt bắt, nhưng chẳng bao giờ bắt được. Cứ rượt bắt lòng vòng trên đảo như vậy suốt đêm đến sáng. Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng rượt bắt, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký.
Ông bạn thân nghe mách vậy cũng tới ông bác sĩ đó khám, xin thuốc để làm ốm bớt. Bác sĩ cho lọ thuốc màu xám, dặn uống mỗi tối. Uống thuốc đều đặn, đêm nào ông này lại cũng mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có đám thổ dân ãn thịt nguời. Bị thổ dân rượt, ông chạy trối chết, suýt bị tóm trúng mấy lần, nhưng rồi lại thoát. Cứ chạy trốn quýnh quáng lòng vòng trên đảo suốt đêm đến sáng. Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng chạy trốn, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký. Nhưng ông này bực lắm, đi bác sĩ khiếu nại.
- Tại sao bạn tui cũng khám chỗ bác sĩ thì lại có giấc mơ đẹp, còn giấc mơ của tui hãi quá. Chưa kể thỉnh thoảng còn suýt bị thổ dân tóm được nữa chứ, có bực không nào!
Bác sĩ thủng thỉnh đưa giấy tờ ra giải thích:
- Bạn anh khám trả tiền mặt, còn anh thì xài Medical, so bì gì được!
---------------------
         Một anh lính đóng quân ở làng quê và phải lòng yêu một cô gái người làng ấy tên là Lan. Vốn con nhà gia giáo, đứng đắn nên anh đến nhà người yêu bao giờ cũng chào hỏi gia đình, nếu có muốn đi chơi bao giờ cũng xin phép. Khổ một nỗi, ông già của người yêu rất khó tính, dẫu biết anh là người tốt nhung ông vẫn xét nét, ngăn chặn.  Một bận, anh tới chơi, cô gái ở trong bếp, còn ông bố thì đang bực tức việc gì. Anh chào, ông già đáp 'vâng'. Anh ta lân la thưa bẩm:
- Dạ thưa bác, hôm nay bác có khoẻ không ạ?
- Cảm ơn! Sức khoẻ của tôi đang ở trong bếp kia kìa, anh vào đó mà hỏi.
Tưởng ông già đùa, anh lại nói tiếp:
-  Dạ, thưa bác...cháu xin phép bác cho cháu đưa em Lan sang đơn vị để xem văn nghệ có được không ạ?
- Không văn nghệ, văn gừng gì hết. Tôi còn lạ gì cái trò của các anh, lấy lý do này lý do kia. Ai biết anh đưa nó đi xem văn nghệ hay là anh đưa ra bụi ra bờ nào đó để nhỡ nó ễnh cái bụng lên thì chết tôi à...
Anh lính nghe vậy thanh minh:
- Dạ, cháu không dám làm vậy đâu ạ ! Thưa bác, chúng cháu phải giữ cho nhau, vì cháu yêu Lan với tình yêu chân chính bác ạ.
Ông già cười và mỉa mai:
- Tôi biết anh là chân chính rồi, mà tôi có sợ cái chân chính của anh đâu. Tôi chỉ sợ cái chân phụ... của anh thôi.  Cái chân chính thì anh giữ được, còn chân phụ thì... anh làm sao giữ nổi?
---------------------  
         Một cặp vợ chồng người Mỹ du lịch đến Israel. Một người Ảrập đến gần họ rao bán vài món quà lưu niệm. Anh ta ngắm nghía hai vị khách và hỏi họ từ đâu đến. Khách trả lời: "Chúng tôi từ Mỹ sang đây". Anh Ảrập nhìn người vợ một lúc rồi nói: "Cô ấy tóc đen, da ngăm, nhất định không phải là người Mỹ!". Quay sang anh chồng anh ta nói tiếp: "Tôi sẽ đổi 100 con lạc đà để lấy vợ anh nếu anh đồng ý!". Anh chồng suy nghĩ rất lâu rồi mới trả lời: "Tôi không bán vợ!".
         Trên đường về, người vợ trách chồng: "Tại sao anh không trả lời thật nhanh với anh ta mà phải suy nghĩ lâu thế?". Anh chồng đáp: "Lúc đó anh đang tính xem làm thế nào để mang 100 con lạc đà về Mỹ…". 
  

            Hai người Đàn ông trong hành lang phòng khám. Ông già hơn trông rất có vẻ bồn chồn. Người kia hỏi thăm :
- Trông bác rất lo lắng, chắc bị bệnh tình gì nặng lắm?
- Tôi đến để thử máu.
- Thế ư? không biết người ta sẽ làm gì khi thử máu nhỉ?
- Để thử máu, họ sẽ cắt tay tôi. Ôi, mới nghĩ đã rùng cả mình!
Nghe vậy, anh chàng kia mặt xám ngoét, cứ thọc tay vào túi quần rồi run bắn lên. Ông thử máu hỏi
- Anh làm sao thế? Sao tự nhiên lại hoảng sợ như vậy?
- Tôi đến đây để thử nước tiểu.



Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Giỗ mẹ



Hôm nay, hai mươi tháng giêng Giáp Ngọ, giỗ mẹ lần thứ  mười ba. Nếu còn sống năm nay mẹ cũng đã được hơn trăm tuổi. Biết là ai rồi cũng sẽ ra đi nhưng đối với mình đây là một mất mát quá lớn vì cả cuộc đời mình  thân thương nhất vẫn chỉ là mẹ và chị.
Mới ngoài ba mươi mẹ đã sống một mình nuôi con khi chồng mất tích trong rừng sâu không dấu vết. Trước đó, ông cũng chẳng làm gì ngoài việc rong chơi thơ phú, rượu bầu với bạn bè rồi  chỉ vì "mang trong mình giòng máu địa chủ" nên phải ra đi vào một buổi sáng mùa đông rồi biệt tăm từ đó.
Cho tới những ngày cuối cùng của đời, ước mong đau đáu của mẹ là tìm được di thể của chồng mang về, cho dù là một nắm tro. Ước mong này quá sức của hai đứa con nên đành phải nói dối mẹ  cho qua ngày.
Ngồi nhớ lại những ngày còn mẹ, dù đã chăm sóc hết tất cả cho mẹ sau những giờ đi làm về nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó sự áy náy vì chưa làm tròn bổn phận của con. Mẹ thèm ăn trầu vì là một thói quen từ hồi còn trẻ. Con không cho mẹ ăn vì sợ mẹ lở mồm, lở miệng, ăn cơm không được. Mẹ không quen tắm nước nóng, con bắt mẹ tắm nước nóng vì sợ mẹ  cảm lạnh….
Và điều ray rứt cho con nhất vẫn là thời gian mẹ phải ở một mình ở quê, mỗi lần về thăm chỉ được vài ba ngày rồi lại đi vì cái gia đình nhỏ chưa ổn. Mẹ vẫn nói : Tau già rồi, răng cũng được, mi vô mà lo cho mấy đứa ăn học nên người là tau mừng rồi. Con cũng đã cố gắng và cũng tạm gọi là hoàn thành tâm nguyện của mẹ. Tội cho mẹ quá! Có đứa con trai duy nhất mà không thể ở cùng  một thời gian dài. Con cũng xót mà mẹ cũng đau!
May mà mười năm cuối đời, lúc đó sức mẹ cũng đã yếu, con mới được chăm sóc mẹ cho tới ngày mẹ ra đi cho dù không phải là tròn đầy -vì vẫn còn trong chân những hạt sạn- nhưng đối với con như vậy cũng làm cho con bớt phải ân hận.

Hôm nay, mẹ ngồi đó, hiền từ nhìn con thanh thản chắc mẹ cũng đã yên lòng.

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Tản mạn...cuối đông


Hai mươi hai tháng chạp, những ngày cuối cùng của một mùa đông lạnh khác thường và cũng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của Xuân.
 Đó là qui luật tất yếu, mọi sự không tiễn cũng đi, không chờ cũng tới.
Bữa nay, mọi nhà chuẩn bị tiễn ông Táo về trời. Ra đường, sự hối hả đã có mặt.
Về nhà, chuyện quét dọn nhà cửa cũng tạm ổn vì đã bắt đầu từ đầu tháng chạp. Mỗi ngày quét dọn một góc  đến một lúc không còn chỗ nào còn bụi, còn rác nữa là xong.
Dọn nhà thì mạnh tay bỏ tất cả những thứ gì cất giữ bấy lâu (vì tiếc của- bệnh thâm căn cố đế của mấy ông bà già) vào sọt rác.Cái gì thấy còn sử dụng được (dù không biết sử dụng vào việc gì) thì giữ lại, cuối năm sau tính tiếp, cho nên rác cứ còn mãi năm này qua tháng khác. Đôi lúc, cất giữ một đống vật dụng linh tinh nhưng khi làm thì vẫn cứ đạp xe ra phố mua cái mới, lẩm cẩm là vậy đó !
Dọn nhà thì dễ và nhanh gọn nhưng dọn cái đầu thì mệt và khó quá. Bao nhiêu rác rưởi, tốt cũng có, xấu cũng nhiều, dọn hoài không sạch. Dọn được cái này thì gió lại thổi một mớ khác nhập vào, nắm đầu lôi ra, bỏ nó đi nhưng nó đâu có chịu đi, mai mốt lại ló đầu ra chọc quê mình, khó thiệt!
Giờ thì mọi thứ đã ổn, nhìn đâu cũng thấy gọn gàng, sạch sẽ, tự nhiên thấy thoải mái, thanh thản. Tối nay, theo tục xưa bày, nay làm, làm một lễ mọn để gọi là tiễn đưa ông Táo. Mặc dù, ông Táo “bếp ga” không biết có còn ở đó không! Thôi thì cũng làm cho đủ lễ, ông Táo không nhận thì “cô hồn, các bác” hưởng cũng chẳng sao!

 Cây mai năm nay cũng khiêm tốn ra khoảng chục nụ…và lộc non, vài hôm nữa chắc sẽ bung ra. Cũng chẳng sao vì mùa Xuân cũng đã về.

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Bài học từ những con vật


Chim ó:
Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một... tù nhân trong lồng đó. Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3 - 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!


* Con dơi:
Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác. Tuy nhiên, nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi. Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.


* Con ong nghệ:
Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết. Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua... đáy ly.

* Con người...
Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam... và sự lệ thuộc vào người khác.