Trang

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

BÀI THƠ CHIM NHẠN

Vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền Sư Hương Hải :"Như thế nào là ý Phật và ý Tổ?" Sư trả lời :
Nhạn quá trường không                                     
Ảnh trầm hàn thủy                                             
Nhạn vô di tích chi ý                                           
Thủy vô lưu ảnh chi tâm                                     
Dịch thơ:   
 Nhạn vút qua không
 Bóng chìm nước lạnh 
 Để dấu: nhạn không có ý
 Giữ bóng: nước cũng vô tâm                                                                
  Dịch nghĩa:
Chim nhạn bay qua trên không,  bóng hiện dưới hồ nước lạnh.         
 Nhạn không có ý để lại bóng dưới hồ.           
Nước sông nào có ý lưu lại bóng nhạn.    
            Trên bầu trời xanh trong, một cánh nhạn bay qua. Mặt hồ phẳng lặng, bóng nhạn chợt hiện. Khoảnh khắc, chẳng còn dấu tích, trời vẫn xanh, hồ vẫn lặng.
Chim nhạn bay qua trên không, bóng hiện dưới hồ. Chim nhạn không có ý để dấu lại trời xanh, lưu bóng nhạn dưới hồ. Mặt hồ cũng không có ý giữ lại bóng nhạn. Đó là Phật ý.
            Trong ta, đâu đó vẫn còn hình ảnh chim nhạn vỗ cánh, vẫn còn hình ảnh bầu trời xanh và vô số câu hỏi theo sau.  Khoảng không trong xanh kia vẫn là một màu xanh trong vắt, chim chẳng hề lưu dấu.
            Mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh, bóng nhạn cũng chẳng còn nhưng ta vẫn thẩn thờ cố tìm lại bóng nhạn kia với không ít những tàn dư. Mặt hồ luôn tĩnh lặng, chỉ là tấm gương phản chiếu lại những đổi thay. Mặt hồ chẳng cần lưu lại và cũng chẳng bao giờ giữ lại bất cứ một hình bóng nào khi mọi thứ đã qua.
Nhạn bay qua trời, ta cho đó là thực. Ảnh nhạn in dưới nước, ta cho đó là ảo ảnh. Nhạn bay rồi, không còn dấu tích, chỉ còn khoảng trời không. Ảnh nhạn cũng thế, khi nhạn qua rồi không còn dấu tích ảnh nhạn, chỉ còn mặt hồ Không. Cho nên mọi điều ta cho là THỰC hay ẢO ẢNH đều chỉ là ảnh hình trong khoảnh khắc. Chỉ có khoảng không là tồn tại vĩnh viễn.
Biết là biết vậy, thấy là thấy vậy nhưng không dễ để bóng nhạn qua đi yên lành. Cái tập khí muôn đời muôn kiếp trong ta cứ lôi kéo ta vào những cái lăn xăn sau bóng nhạn.
Chim nhạn bay trên không. Ảnh của chim hiện trong nước. Ảnh chỉ hiện trung thực bóng nhạn khi mặt hồ tĩnh lặng. Nếu mặt hồ lao xao sóng, bóng nhạn sẽ thế nào? Nếu không có bóng nhạn bay qua, mặt hồ phản ánh trung thực trời xanh trong vắt. Nếu có đám mây tình cờ ngang qua, mặt hồ cũng chỉ làm nhiệm vụ của nó là phản ảnh đầy đủ hình tướng đám mây. Mây bay qua rồi, trời trong xanh, mặt hồ lại bình yên, chẳng còn bóng .
   Cũng vậy, nhìn lại bên trong mỗi người chúng ta, những gì thu nhận được qua mắt, tai, mũi, lưỡi …cứ loanh quanh, luẩn quẩn trong ta, chẳng chịu rời. Cái mặt hồ trong sáng kia cứ nhất định giữ lại tất cả mà thực chất là chẳng có gì để mà giữ, tất cả đều chỉ thoáng qua rồi mất hút, cái mà ta giữ lại chỉ là bóng mà thực ra cũng chẳng còn là bóng. Chính ta đã tạo ra bóng để lưu giữ lại. Buồn, vui, yêu, thương, giận ghét… từ đó nảy sinh và hồ nổi sóng.

Con chim nhạn của Hương Hải thiền sư vẫn bay chưa bao giờ dừng cánh. Nhưng mặt nước ngày nào và bây giờ vẫn vậy, luôn luôn vẫn vậy, lặng yên trong biếc một màu, soi rõ muôn cảnh. Một cơn gió vô tình thổi qua, mặt nước lao xao, cảnh vật lại rung động theo từng cơn sóng nhẹ... Yên, lại lặng yên, lại trong biếc một màu. Mặt nước cũng chỉ là mặt nước.Con chim nhạn lại bay, bay trong trời đất bao la và không hề lưu bóng.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Chuyện hai người mẹ

           Chiều nay, tình cờ mở VTV Phú Yên và xem được một vở cải lương hết sức cảm động. Vốn mít ướt nên tự nhiên cũng muốn rơm rớm nước mắt.
          Nội dung cũng khá đơn giản.
          Một người mẹ miền Bắc và một người mẹ miền Nam, cùng mất chồng và có con đi chiến đấu ở nơi xa. Hai người con có cùng tên, cùng ngày sinh và lại ở cùng đơn vị, chỉ khác nhau tháng sinh. Người mẹ miền Nam  đã nhận thêm đứa con trùng tên với con mình làm con nuôi nhân một ngày đơn vị cho về phép.
          Trong chiến đấu, hai người đều hy sinh. Người con miền Bắc còn giữ được xác, người  con miền Nam thì chẳng còn để lại được gì.
          Do nhầm lẫn, đơn vị báo tin và đưa xác người con miền Bắc về cho mẹ miền Nam. Người mẹ miền Bắc thì vò võ chờ ngày tìm được mộ con.
          Người mẹ miền Nam nhận con và đưa về nghĩa trang liệt sĩ chộn cất. Suốt  mười mấy năm, mẹ ngày ngày chăm sóc ngôi mộ, vẫn tưởng dưới đó là đứa con mình rứt ruột sinh ra.
          Trong khi đó, người mẹ miền Bắc vẫn ngày đêm đi tìm nơi con mình yên nghỉ và cuối cùng mọi chuyện cũng được làm sáng tỏ, người mẹ miền Bắc cùng người thân đã tìm đúng nơi chôn cất con mình.
          Người mẹ cùng thân bằng quyến thuộc  nhất định cải táng thân thân của mình đưa về quê nhà và điều đó phù hợp với tình cảm gia đình, thân tộc theo phong tục miền ngoài.
       Người mẹ miền Nam khi biết rõ sự thật đau lòng nhưng thông cảm với nỗi lòng người mẹ miền Bắc cũng chuẩn bị mọi thứ trước khi  tiễn con đi lần thứ hai.
      Hai người mẹ đã gặp nhau tại nghĩa trang.Cùng một nỗi đau mất con, cùng một nỗi dằn vặt nội tâm
trước thân xác của người đang nằm dưới mộ, hai người mẹ đã trải lòng tâm sự trong khi người thân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc cải táng.
     Và, cuối cùng người mẹ miền Bắc đã quyết định. Mẹ nhận tấm di ảnh của con đem về quê, ngôi mộ vẫn để lại  nhờ người mẹ miền Nam chăm sóc như lâu nay.


      Kết cục thấm đẫm tình người  như mình nghĩ. Thân xác giờ đã thành tro bụi có đem về quê hay không cũng chỉ là đất cát, ở đâu cũng là quê hương. Để yên tại chỗ là cả hai bà mẹ đều yên lòng.

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015



CHIẾC LÁ SẠCH
Hiểu Kỳ

Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng:
- Con là một thư sinh luôn biết Tam cương-Ngũ thường... từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi hồng, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử!
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng:
- Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì.
Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước.
Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư.
Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai:
- Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy.
Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói:
- Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không?
Chàng trai thở dài gật đầu thưa:
- Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng.
Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói:
- Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ.
Vừa nói, vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước.
Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng:
- Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào?
Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ.
Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư:
- Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần...
Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng:
- Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn.. không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước (những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm.
Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng.
Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước.
Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng:
- Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt.
Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng:
- Vì sao Ngài lại nói như thế?
Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi.
Đại sư bảo chàng trai:
- Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi.. rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang.
Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế:
- Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi.
Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.